Ảnh minh họa
Samsung hiện đang thực hiện một dự án nhằm kết nối nhiều loại thiết bị điện tử với nhau. Dự án này mang tên "Kiến trúc Samsung dành cho sự tương tác đa chế độ" (SAMI) và nó đã được trình diễn tại một hội nghị ở San Francisco vào hôm thứ 6 tuần rồi. Nhiệm vụ của SAMI sẽ là thu thập dữ liệu từ nhiều máy móc có kết nối Internet, bao gồm cả những thiết bị đeo được hay đồ gia dụng, rồi tổng hợp và cung cấp dữ liệu đó cho những thiết bị hoặc ứng dụng khác cùng sử dụng. Ý tưởng của SAMI cũng gần giống như khái niệm về Internet of Things. Luc Julia, cựu giám đốc-kĩ sư chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển nên "cô trợ lý ảo" Siri cho Apple, là người đứng đầu SAMI.
Dự án SAMI ngoài khả năng thu thập và chuyển đổi dữ liệu còn hỗ trợ cả những tính năng tương tự như Siri. Trong phần trình diễn của mình với chiếc vòng đeo tay theo dõi sức khỏe Fitbit, Luc Julia có hỏi một ứng dụng mà anh đang phát triển rằng việc tập luyện của anh có tốt không. Ứng dụng khi đó sẽ lấy thông tin từ Fitbit và nói rằng Julia đã đạt định mức rồi hay cần phải tập thêm. Julia cho biết SAMI được xây dựng như một nền tảng để các công ty tự động hóa, ô-tô hay các hãng sản xuất thiết bị wearable khai thác dữ liệu và cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng cho khách hàng của mình.
Anh chia sẻ rằng thêm rằng Samsung muốn nền tảng của mình mở nhất có thể và hiện chưa có dự định thiết lập chuẩn chung nào. Thậm chí một công ty bên thứ ba vẫn có thể đứng ra vận hành dịch vụ dựa trên SAMI mình chứ không nhất thiết phải phụ thuộc vào Samsung. Hiện nhà sản xuất Hàn Quốc đang kết hợp với khoảng 50 đối tác để phát triển và thử nghiệm SAMI, trong đó có Fitbit, Pebble (sản xuất smartwatch) và Withings (sản xuất cân điện tử) và Vital Connect (sản xuất máy đo nhịp tim). Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn ngắn, Julia thừa nhận rằng Samsung là một công ty chuyên về phần cứng và có ít kinh nghiệm khi phát triển các dịch vụ online, do đó hãng đang cố gắng hết sức để xây dựng SAMI.
Được biết Julia đã làm giám đốc dự án Siri trong khoảng 10 tháng và anh rời Apple hồi cuối năm ngoái. Chúng ta có thể thấy về nét tương đồng giữa Siri và SAMI, đó là cả hai đều hỗ trợ tương tác giọng nói, đều thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau rồi đưa về một app để tổng hợp và xử lí. Điểm khác biệt đó là Siri tổng hợp xong thì chỉ để cho bản thân Siri xài, trong khi SAMI thì cung cấp nó cho nhiều công ty khác nữa.
Theo MacWorld