Tích xưa truyền lại
Theo nhiều sử sách ghi chép lại rằng, vùng Mai Động trước kia có tên là My Động. Đây là một bãi đầm phá lầy lội chạy dài theo sông Kim Ngưu.
Ông Vũ Văn Âu, 79 tuổi, người có nhiều nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử làng Mai Động kể lại rằng: "Theo sử sách, ngày 4/4/1427, Vương Thông chỉ huy một đội quân tinh nhuệ ra tập kích doanh trại của thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt. Dẫu bị đánh bất ngờ nhưng quân của Lê Nguyễn đã chống trả quyết liệt. Ngay sau đó, Lê Lợi đã phái Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân đến ứng cứu. Nghĩa quân đánh lui quân địch và truy kích đến Ô Cầu Dền khoảng 1,5km. Trên đường thua chạy, thấy có ít quân ta đuổi theo, Vương Thông bất ngờ quay lại đánh. Đinh Lễ và Nguyễn Xí cưỡi voi chiến đấu, chẳng may bị sa lầy nên hai ông đều rơi vào tay giặc. Sau đó, Nguyễn Xí đã trốn thoát còn Đinh Lễ bị giặc giết".
Chợ Mai Động được xây trên nền đống Voi xưa
Ông Âu tiếp lời: "Khi voi chiến bị sa lầy, dân làng cùng góp sức chặt đốn cây cối, lấy gỗ kéo voi lên. Thế nhưng, vì voi nặng quá mà đống lầy lớn, không thể kéo voi lên được. Voi tử trận, dân làng đắp mộ cao chôn cất, đặt tên là đống Voi. Dấu tích này còn tồn tại đến chừng cuối những năm 80 của thế kỷ trước".
Cũng theo ông Âu, vị trí voi bị sa lầy rồi được chôn cất nằm ở khu vực chợ Mai Động ngày nay. Năm 1958, khi đào sông Kim Ngưu, người ta bắc cây cầu sắt qua sông, đối diện chợ Mai Động, không ai bảo ai đều gọi đó là cầu Voi.
Chợ trên đống xương người (!?)
Ông Vũ Văn Âu có 23 năm làm Phó Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì (Mai Động sáp nhập với Hoàng Mai thành xã Hoàng Văn Thụ trong giai đoạn 1961 - 1982) nhớ lại: Trước đây, đống Voi lớn lắm, cây cỏ um tùm. Cũng chẳng biết từ bao giờ, đống Voi trở thành nghĩa địa của dân làng Mai Động. "Một phần vì thế mà chốn tâm linh của làng luôn được lưu giữ, hương khói".
Tháng 7/1982, Mai Động tách khỏi xã Hoàng Văn Thụ để lập thành phường Mai Động. Năm 1987, theo quy hoạch của thành phố, nghĩa trang làng Mai Động nằm trên đống Voi bị di dời đi nơi khác. Ông Âu là một trong số những người kịch liệt phản đối việc san đống Voi. Thế nhưng, cuối cùng, đống Voi vẫn bị san phẳng trong sự tiếc nuối, lo ngại của dân làng. Khu đất ấy trở thành nơi họp chợ của dân quanh vùng. Sau này phát triển thành chợ Mai Động buôn bán sầm uất.
Mặc dù trong thời gian di dời nghĩa trang tại đống Voi, các hộ gia đình đều chuyển mộ phần người thân đi nơi khác, thế nhưng theo ông Vũ Xuân Hỉ, người làng Mai Động thì "những bộ xương đào được khi xây dựng chợ Mai Động chỉ là một phần rất ít so với quy mô của nghĩa trang". Ông Hỉ cho biết thêm, ông đã từng cùng với cố GS Trần Quốc Vượng có những chuyến thám sát tại khu vực đống Voi và phát hiện về một khu nghĩa địa cổ nằm quanh khu này.
Theo ông Hỉ, rất có thể dưới lòng đất chợ Mai Động còn nghĩa trang cổ
Theo ông Hỉ, bãi nghĩa địa cổ phải đào sâu xuống dưới lòng chợ Mai Động trên 4m nữa thì mới phát hiện được, vì trước đó "người ta phải đào sông Kim Ngưu sâu chừng ấy mới phát hiện ra những di chỉ", ông lập luận. Do đó, theo nhận định của ông Hỉ thì "rất có thể dưới nền chợ vẫn còn nhiều bộ hài cốt chưa được di dời".
Và những câu chuyện nhuốm màu hư thực
Đống Voi từng là nghĩa trang. Điều đó dân làng Mai Động đều biết. Chợ Mai Động nằm trên khu nghĩa trang cũ. Nhiều người trẻ trong làng cũng hay. Một phần vì thế, những câu chuyện nhuốm màu hư thực càng có cớ để người ta thêu dệt, lưu truyền.
Ông Nguyễn Văn Cầu, người làng Mai Động kể: "Hồi đống Voi chưa bị phá, nhiều người đi đánh cá, thả ống lươn qua khu vực này đều bảo rằng nhìn thấy bóng người con gái mặc quần áo trắng toát, tóc tai rũ rượi cứ đi đi lại lại quanh đống. Khi thấy người đến gần thì biến mất. Rồi có anh đi thả ống lươn, bị "ma trơi" đuổi theo, sợ quá anh ta chạy thục mạng, về nhà ốm liệt giường, cúng bái mãi mới khỏi".
Cầu Voi và tấm biển ghi tích xưa
Như để tăng thêm độ tin cậy cho câu chuyện, ông Cầu tiếp lời: "Hồi mới dựng chợ, có hộ gia đình bên Quỳnh Lôi sang mở hàng buôn bán gạo. Đêm, người trong gia đình phải ở lại trông hàng nhưng hôm nào cũng thấy khó thở như có ai ngồi trên ngực, lại nghe thấy tiếng khóc tức tưởi. Tỉnh dậy, soi đèn thì chẳng thấy gì. Nghĩ có chuyện chẳng lành, nhà này đi xem bói, thầy "nhập đồng", khóc lóc vật vã mà rằng "Sao chúng mày xếp đồ đè lên người tao, tao không thở được". Sợ quá, gia đình phải chuyển đi nơi khác buôn bán".
Câu chuyện ấy chẳng biết bao nhiêu phần trăm là sự thực, thế nhưng nó cũng khiến cho nhiều người không khỏi lạnh tóc gáy khi đi qua đây.
Tôi đem chuyện hỏi ông Âu, ông xua tay: "Chuyện ma quỷ thì cũng khó nói lắm. Nhưng cũng không loại trừ yếu tố các hộ tranh giành chỗ buôn bán mà phao tin đồn nhảm, gây tâm lý hoang mang. Một phần vì chợ được dựng trên nền nghĩa trang cũ nên nhiều người cứ "thần hồn nát thần tính" thế thôi".
Còn anh Dũng, một người buôn bán ở chợ Mai Động thì khẳng định như đinh đóng cột: "Chúng tôi làm ăn buôn bán ở đây bao năm, có bao giờ nghe gặp ma mãnh gì đâu? Đó chỉ là tin đồn thất thiệt thôi. Việc dựng chợ, dựng trường học, dựng chung cư trên đất nghĩa trang thì chẳng thiếu nơi làm thế. Họ vẫn làm ăn, sinh sống, học tập bình thường đấy chứ?".
Theo nhiều sử sách ghi chép lại rằng, vùng Mai Động trước kia có tên là My Động. Đây là một bãi đầm phá lầy lội chạy dài theo sông Kim Ngưu.
Ông Vũ Văn Âu, 79 tuổi, người có nhiều nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử làng Mai Động kể lại rằng: "Theo sử sách, ngày 4/4/1427, Vương Thông chỉ huy một đội quân tinh nhuệ ra tập kích doanh trại của thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt. Dẫu bị đánh bất ngờ nhưng quân của Lê Nguyễn đã chống trả quyết liệt. Ngay sau đó, Lê Lợi đã phái Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân đến ứng cứu. Nghĩa quân đánh lui quân địch và truy kích đến Ô Cầu Dền khoảng 1,5km. Trên đường thua chạy, thấy có ít quân ta đuổi theo, Vương Thông bất ngờ quay lại đánh. Đinh Lễ và Nguyễn Xí cưỡi voi chiến đấu, chẳng may bị sa lầy nên hai ông đều rơi vào tay giặc. Sau đó, Nguyễn Xí đã trốn thoát còn Đinh Lễ bị giặc giết".
Chợ Mai Động được xây trên nền đống Voi xưa
Ông Âu tiếp lời: "Khi voi chiến bị sa lầy, dân làng cùng góp sức chặt đốn cây cối, lấy gỗ kéo voi lên. Thế nhưng, vì voi nặng quá mà đống lầy lớn, không thể kéo voi lên được. Voi tử trận, dân làng đắp mộ cao chôn cất, đặt tên là đống Voi. Dấu tích này còn tồn tại đến chừng cuối những năm 80 của thế kỷ trước".
Cũng theo ông Âu, vị trí voi bị sa lầy rồi được chôn cất nằm ở khu vực chợ Mai Động ngày nay. Năm 1958, khi đào sông Kim Ngưu, người ta bắc cây cầu sắt qua sông, đối diện chợ Mai Động, không ai bảo ai đều gọi đó là cầu Voi.
Chợ trên đống xương người (!?)
Ông Vũ Văn Âu có 23 năm làm Phó Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì (Mai Động sáp nhập với Hoàng Mai thành xã Hoàng Văn Thụ trong giai đoạn 1961 - 1982) nhớ lại: Trước đây, đống Voi lớn lắm, cây cỏ um tùm. Cũng chẳng biết từ bao giờ, đống Voi trở thành nghĩa địa của dân làng Mai Động. "Một phần vì thế mà chốn tâm linh của làng luôn được lưu giữ, hương khói".
Tháng 7/1982, Mai Động tách khỏi xã Hoàng Văn Thụ để lập thành phường Mai Động. Năm 1987, theo quy hoạch của thành phố, nghĩa trang làng Mai Động nằm trên đống Voi bị di dời đi nơi khác. Ông Âu là một trong số những người kịch liệt phản đối việc san đống Voi. Thế nhưng, cuối cùng, đống Voi vẫn bị san phẳng trong sự tiếc nuối, lo ngại của dân làng. Khu đất ấy trở thành nơi họp chợ của dân quanh vùng. Sau này phát triển thành chợ Mai Động buôn bán sầm uất.
Mặc dù trong thời gian di dời nghĩa trang tại đống Voi, các hộ gia đình đều chuyển mộ phần người thân đi nơi khác, thế nhưng theo ông Vũ Xuân Hỉ, người làng Mai Động thì "những bộ xương đào được khi xây dựng chợ Mai Động chỉ là một phần rất ít so với quy mô của nghĩa trang". Ông Hỉ cho biết thêm, ông đã từng cùng với cố GS Trần Quốc Vượng có những chuyến thám sát tại khu vực đống Voi và phát hiện về một khu nghĩa địa cổ nằm quanh khu này.
Theo ông Hỉ, rất có thể dưới lòng đất chợ Mai Động còn nghĩa trang cổ
Theo ông Hỉ, bãi nghĩa địa cổ phải đào sâu xuống dưới lòng chợ Mai Động trên 4m nữa thì mới phát hiện được, vì trước đó "người ta phải đào sông Kim Ngưu sâu chừng ấy mới phát hiện ra những di chỉ", ông lập luận. Do đó, theo nhận định của ông Hỉ thì "rất có thể dưới nền chợ vẫn còn nhiều bộ hài cốt chưa được di dời".
Và những câu chuyện nhuốm màu hư thực
Đống Voi từng là nghĩa trang. Điều đó dân làng Mai Động đều biết. Chợ Mai Động nằm trên khu nghĩa trang cũ. Nhiều người trẻ trong làng cũng hay. Một phần vì thế, những câu chuyện nhuốm màu hư thực càng có cớ để người ta thêu dệt, lưu truyền.
Ông Nguyễn Văn Cầu, người làng Mai Động kể: "Hồi đống Voi chưa bị phá, nhiều người đi đánh cá, thả ống lươn qua khu vực này đều bảo rằng nhìn thấy bóng người con gái mặc quần áo trắng toát, tóc tai rũ rượi cứ đi đi lại lại quanh đống. Khi thấy người đến gần thì biến mất. Rồi có anh đi thả ống lươn, bị "ma trơi" đuổi theo, sợ quá anh ta chạy thục mạng, về nhà ốm liệt giường, cúng bái mãi mới khỏi".
Cầu Voi và tấm biển ghi tích xưa
Như để tăng thêm độ tin cậy cho câu chuyện, ông Cầu tiếp lời: "Hồi mới dựng chợ, có hộ gia đình bên Quỳnh Lôi sang mở hàng buôn bán gạo. Đêm, người trong gia đình phải ở lại trông hàng nhưng hôm nào cũng thấy khó thở như có ai ngồi trên ngực, lại nghe thấy tiếng khóc tức tưởi. Tỉnh dậy, soi đèn thì chẳng thấy gì. Nghĩ có chuyện chẳng lành, nhà này đi xem bói, thầy "nhập đồng", khóc lóc vật vã mà rằng "Sao chúng mày xếp đồ đè lên người tao, tao không thở được". Sợ quá, gia đình phải chuyển đi nơi khác buôn bán".
Câu chuyện ấy chẳng biết bao nhiêu phần trăm là sự thực, thế nhưng nó cũng khiến cho nhiều người không khỏi lạnh tóc gáy khi đi qua đây.
Tôi đem chuyện hỏi ông Âu, ông xua tay: "Chuyện ma quỷ thì cũng khó nói lắm. Nhưng cũng không loại trừ yếu tố các hộ tranh giành chỗ buôn bán mà phao tin đồn nhảm, gây tâm lý hoang mang. Một phần vì chợ được dựng trên nền nghĩa trang cũ nên nhiều người cứ "thần hồn nát thần tính" thế thôi".
Còn anh Dũng, một người buôn bán ở chợ Mai Động thì khẳng định như đinh đóng cột: "Chúng tôi làm ăn buôn bán ở đây bao năm, có bao giờ nghe gặp ma mãnh gì đâu? Đó chỉ là tin đồn thất thiệt thôi. Việc dựng chợ, dựng trường học, dựng chung cư trên đất nghĩa trang thì chẳng thiếu nơi làm thế. Họ vẫn làm ăn, sinh sống, học tập bình thường đấy chứ?".
"Đúng là chợ Mai Động nằm trên đất đống Voi trước kia, đồng thời cũng là nghĩa trang cũ của làng Mai Động. Những câu chuyện kỳ bí người ta đồn đại có thể xuất phát từ việc chợ làm trên đất nghĩa trang. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lời đồn đại không có cơ sở mà thôi. Còn về phía chính quyền, dù đống Voi không còn, song chúng tôi cũng đã cho xây dựng tấm bia bên cạnh cầu Voi để nêu lại tích cũ. Đó cũng là một cách để giáo dục lớp trẻ, đồng thời giới thiệu với mọi người về lịch sử của địa phương". Bà Triệu Thúy Hồng (cán bộ văn hóa phường Mai Động) |