Góa phụ chèo chống nuôi 3 con thơ
Cách đây tròn 1 năm, người dân thôn Lã Côi, xã Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội lặng lẽ đến nhà ông Lê Xuân Lợi để tiễn đưa anh Lê Xuân Quyền (SN 1980, con trai thứ 2 của ông Lợi) về nơi chín suối. Họ hàng, làng xóm thương tiếc anh Quyền hiền lành, chăm chỉ mà đoản mệnh đã đành, song nỗi đau xót, còn dành cho cả 3 đứa trẻ, các con của người đàn ông xấu số này.
Anh Quyền cùng 2 người anh, em ruột khác có một cửa hàng cắt tóc nam nằm trên phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên. Cửa hàng của anh Quyền lúc nào cũng nườm nượp khách. Nghe danh, một thanh niên ở xã Trung Giã, Sóc Sơn tìm xuống nằng nặc xin học nghề. Khóa truyền nghề kết thúc, thanh niên kia trở về quê mở hiệu. Cảm kích ân tình của các “thầy”, ngày 8/10/2011, “đệ tử” của anh Quyền làm bữa cơm để cảm tạ.
Hôm ấy, Quyền và anh trai đón xe buýt lên Sóc Sơn, còn đứa em út ở nhà trông cửa hàng. Đến điểm xe buýt gần nhà cậu “học trò”, Quyền đã thấy thanh niên kia cùng chiếc xe máy đợi sẵn. Khi đến ngã tư Trung Giã, xe máy chở anh, em Quyền bất ngờ bị một xe máy đi từ hướng cầu Vát sang đâm trực diện. Quyền ngã đập đầu xuống đường, bất tỉnh nhân sự. Đến chiều hôm sau thì anh thợ cắt tóc mãi mãi ra đi mà không kịp dặn dò vợ con lấy một lời.
Chị Dư thường bế con đứng cửa cố tìm hình bóng của người chồng chết vì tai nạn bất ngờ
Nhớ lại cái giây phút vợ chồng giáp mặt mà nghìn trùng xa cách, chị Đào Thị Dư (vợ anh Quyền) sụt sịt: “Lúc nghe tin sét đánh, em nhào ngay vào viện, nhưng đã muộn… Chồng em đã không còn biết gì vì chấn thương sọ não. Phải mổ. Vậy mà cũng có cứu được đâu”. “Anh ấy bỏ mẹ con em đi khi thằng cu còn chưa đầy 4 tháng tuổi. Con Dung học lớp 4, con Thúy thì đang học mẫu giáo. Cả 3 đứa đều còn quá nhỏ anh ạ! Giờ em chẳng biết phải xoay xở thế nào để nuôi các cháu lớn khôn” - chị Dư nghẹn ngào.
Nói xen lời con dâu, ông Lợi bảo: “Ngày Quyền còn sống, nó là lao động chính nuôi sống cả gia đình. Giờ Dư phải thay chồng ra hiệu tóc phụ giúp anh, giúp em để nhặt từng đồng bạc lẻ. Khốn nỗi, chân yếu tay mềm, mấy đứa trẻ thì ho, sốt triền miên nên nó cũng buổi đực, buổi cái”. Theo lời ông Lợi, thương em dâu, chị dâu và các cháu côi cút nên các con ông đều hết lòng giúp đỡ. Ngặt điều mấy đứa cùng túng thiếu cả, nên cũng chỉ đỡ đần phần nào. Ngoài làm ở hiệu tóc, Dư còn phải thức đêm đóng từng gói tăm tre để nhận về vài chục nghìn đồng tiền công. “Tôi thương con một, giờ thương các cháu mười. Thành thử còn chút sức lực cuối cùng, tôi đều dồn cả vào việc trông nom bọn trẻ để mẹ chúng có thời gian kiếm ăn” - ông Lợi dằn lòng.
Nhắc đến các con, Dư kể hôm cử hành tang lễ chồng, chị cũng như người “đã chết”. “Dung tuy chưa hiểu hết nỗi đau thương, sự cơ cực vì mất bố, nhưng cháu biết thương mẹ, thương các em lắm và tỏ ra rất có hiếu” - chị Dư bảo vậy. Thế nên bây giờ cứ ai cho quà bánh gì, cô bé đều đặt lên bàn thờ mời bố trước. Riêng Thúy thì thỉnh thoảng vẫn hỏi “Bố đi đâu hả mẹ”. Nhìn về tương lai, chị Dư khẩn cầu: “Chỉ mong ông trời cho mẹ con em khỏe mạnh”.
Bé gái ngằn ngặt khát sữa
Thật khó mà so sánh gia đình nào đau xót, bất hạnh hơn gia đình nào trong những vụ tai nạn giao thông. Nhưng có một điều chắc chắn những đứa con bé bỏng của các nạn nhân là khổ cực nhất. Không còn cha, mẹ, chúng lớn lên chẳng khác nào cái cây non trước giông bão… Về thôn Ngọc Kiên, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, chúng tôi nhận thấy người dân nơi đây đã phần nào bình tâm để bảo ban người thân đi lại cẩn thận mỗi khi tham gia giao thông. Xuất phát chính từ cái cảnh ngộ của gia đình ông Nguyễn Văn Hải.
Sáng 6/10, gia đình ông Hải bất ngờ nhận được điện thoại của một người quen báo về, con dâu ông, chị Nguyễn Thị Hồng đã chết vì tai nạn giao thông. Cả nhà ông Hải đều chết lặng. Nhà ông đã thực sự “tang trùng tang”... Ngồi ngây ở góc nhà, bà Nguyễn Thị Sợi (vợ ông Hải) nói mà như không muốn mở lời, lúc 4h30 cùng ngày, Hồng lẳng lặng dắt xe máy ra đường để đi “xáo rau”. Ai ngờ trên đường chở rau ra chợ bán thì va chạm với ô tô. Lúc Hồng nằm bất động ở hiện trường, người đi đường còn nhìn thấy trên áo cô vẫn đang đeo một chiếc băng tang đen bằng 2 ngón tay trước ngực. Bởi trước đó, cách ngày cô bị nạn hơn 4 tháng, anh Nguyễn Trường Ca (chồng Hồng) cũng đã thiệt mạng trên đường đi làm về. Sau những ngày tháng “chết đi sống lại” vì nỗi đau mất chồng, Hồng dần lấy lại được thăng bằng và gắng gượng nuôi bé Mai Trang (đứa con đầu lòng) mới 8 tháng tuổi. Bà Sợi bảo: “Hồng vốn chỉ quen với mấy sào ruộng, nhưng khi không còn chỗ dựa về kinh tế nữa, nó buộc phải tập tành chạy chợ kiếm miếng cơm cho cả gia đình”. Thế nhưng thêm một lần nữa bà Sợi cùng chồng lại phải “đầu bạc khóc đầu xanh”.
Nhấp một ngụm chè đặc chát, ông Hải tiếp lời vợ: “Vợ chồng chúng nó ra đi đột ngột, để lại cho hai thân già này đứa trẻ vẫn còn đang bú sữa mẹ. Ngày trước nuôi con đã khổ cực, giờ phải nuôi đứa cháu đỏ, thấy lòng chua chát quá”! “Cảm tạ trời đất, mấy đêm gần đây cháu cũng đỡ quấy khóc hơn” - ông Hải mừng thầm. Chuyện buồn của nhà ông Hải thì cả làng, cả xã ai cũng biết, ai cũng muốn sẻ chia. Vậy nhưng ngay cái mà bà con chòm xóm tưởng chừng dễ dàng thực hiện nhất là thăm hỏi, động viên đôi vợ chồng già ấy xem ra cũng rất khó. Vì bà con bảo rằng hỏi thăm mà không khéo dễ làm ông bà Hải thêm đau lòng. Chính vì thế những người họ hàng, làng xóm tốt bụng quay sang quan tâm đến bé Mai Trang. Thế nên hàng ngày, mấy chị đồng trang lứa với vợ chồng Hồng - Ca ở cùng xóm đang nuôi con nhỏ thường chạy qua nhà ông Hải cho bé Trang bú chực.
Nhớ lại mấy đêm đầu Hồng mới mất, ông Hải kể cứ bắt đầu sẩm tối là con bé lại khóc toáng đòi sữa mẹ. Đêm đến cả nhà cứ phải truyền tay nhau bế ẵm, dỗ dành. Có hôm nửa đêm thức giấc, Mai Trang nhất định không chịu bú bình, đưa thìa bột vào miệng cũng ngằn ngặt đẩy ra. Bí quá, bà Sợi buộc phải chạy qua “cầu cứu” chị hàng xóm sang nhà giúp đỡ. Chuyện trò với khách, cả ông Hải và bà Sợi đều tỏ ra vô cùng lo lắng. Vì như lời đôi vợ chồng già này thì khó khăn, cơ cực họ có thể chịu đựng được. Nhưng bé Mai Trang thiếu sữa mẹ sẽ rất hay đau ốm và chẳng biết ông Hải, bà Sợi có đủ sức, đủ thọ để nuôi dạy bé con nên người!?
(Còn nữa)
Cách đây tròn 1 năm, người dân thôn Lã Côi, xã Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội lặng lẽ đến nhà ông Lê Xuân Lợi để tiễn đưa anh Lê Xuân Quyền (SN 1980, con trai thứ 2 của ông Lợi) về nơi chín suối. Họ hàng, làng xóm thương tiếc anh Quyền hiền lành, chăm chỉ mà đoản mệnh đã đành, song nỗi đau xót, còn dành cho cả 3 đứa trẻ, các con của người đàn ông xấu số này.
Anh Quyền cùng 2 người anh, em ruột khác có một cửa hàng cắt tóc nam nằm trên phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên. Cửa hàng của anh Quyền lúc nào cũng nườm nượp khách. Nghe danh, một thanh niên ở xã Trung Giã, Sóc Sơn tìm xuống nằng nặc xin học nghề. Khóa truyền nghề kết thúc, thanh niên kia trở về quê mở hiệu. Cảm kích ân tình của các “thầy”, ngày 8/10/2011, “đệ tử” của anh Quyền làm bữa cơm để cảm tạ.
Hôm ấy, Quyền và anh trai đón xe buýt lên Sóc Sơn, còn đứa em út ở nhà trông cửa hàng. Đến điểm xe buýt gần nhà cậu “học trò”, Quyền đã thấy thanh niên kia cùng chiếc xe máy đợi sẵn. Khi đến ngã tư Trung Giã, xe máy chở anh, em Quyền bất ngờ bị một xe máy đi từ hướng cầu Vát sang đâm trực diện. Quyền ngã đập đầu xuống đường, bất tỉnh nhân sự. Đến chiều hôm sau thì anh thợ cắt tóc mãi mãi ra đi mà không kịp dặn dò vợ con lấy một lời.
Chị Dư thường bế con đứng cửa cố tìm hình bóng của người chồng chết vì tai nạn bất ngờ
Nhớ lại cái giây phút vợ chồng giáp mặt mà nghìn trùng xa cách, chị Đào Thị Dư (vợ anh Quyền) sụt sịt: “Lúc nghe tin sét đánh, em nhào ngay vào viện, nhưng đã muộn… Chồng em đã không còn biết gì vì chấn thương sọ não. Phải mổ. Vậy mà cũng có cứu được đâu”. “Anh ấy bỏ mẹ con em đi khi thằng cu còn chưa đầy 4 tháng tuổi. Con Dung học lớp 4, con Thúy thì đang học mẫu giáo. Cả 3 đứa đều còn quá nhỏ anh ạ! Giờ em chẳng biết phải xoay xở thế nào để nuôi các cháu lớn khôn” - chị Dư nghẹn ngào.
Nói xen lời con dâu, ông Lợi bảo: “Ngày Quyền còn sống, nó là lao động chính nuôi sống cả gia đình. Giờ Dư phải thay chồng ra hiệu tóc phụ giúp anh, giúp em để nhặt từng đồng bạc lẻ. Khốn nỗi, chân yếu tay mềm, mấy đứa trẻ thì ho, sốt triền miên nên nó cũng buổi đực, buổi cái”. Theo lời ông Lợi, thương em dâu, chị dâu và các cháu côi cút nên các con ông đều hết lòng giúp đỡ. Ngặt điều mấy đứa cùng túng thiếu cả, nên cũng chỉ đỡ đần phần nào. Ngoài làm ở hiệu tóc, Dư còn phải thức đêm đóng từng gói tăm tre để nhận về vài chục nghìn đồng tiền công. “Tôi thương con một, giờ thương các cháu mười. Thành thử còn chút sức lực cuối cùng, tôi đều dồn cả vào việc trông nom bọn trẻ để mẹ chúng có thời gian kiếm ăn” - ông Lợi dằn lòng.
Nhắc đến các con, Dư kể hôm cử hành tang lễ chồng, chị cũng như người “đã chết”. “Dung tuy chưa hiểu hết nỗi đau thương, sự cơ cực vì mất bố, nhưng cháu biết thương mẹ, thương các em lắm và tỏ ra rất có hiếu” - chị Dư bảo vậy. Thế nên bây giờ cứ ai cho quà bánh gì, cô bé đều đặt lên bàn thờ mời bố trước. Riêng Thúy thì thỉnh thoảng vẫn hỏi “Bố đi đâu hả mẹ”. Nhìn về tương lai, chị Dư khẩn cầu: “Chỉ mong ông trời cho mẹ con em khỏe mạnh”.
Bé gái ngằn ngặt khát sữa
Thật khó mà so sánh gia đình nào đau xót, bất hạnh hơn gia đình nào trong những vụ tai nạn giao thông. Nhưng có một điều chắc chắn những đứa con bé bỏng của các nạn nhân là khổ cực nhất. Không còn cha, mẹ, chúng lớn lên chẳng khác nào cái cây non trước giông bão… Về thôn Ngọc Kiên, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, chúng tôi nhận thấy người dân nơi đây đã phần nào bình tâm để bảo ban người thân đi lại cẩn thận mỗi khi tham gia giao thông. Xuất phát chính từ cái cảnh ngộ của gia đình ông Nguyễn Văn Hải.
Sáng 6/10, gia đình ông Hải bất ngờ nhận được điện thoại của một người quen báo về, con dâu ông, chị Nguyễn Thị Hồng đã chết vì tai nạn giao thông. Cả nhà ông Hải đều chết lặng. Nhà ông đã thực sự “tang trùng tang”... Ngồi ngây ở góc nhà, bà Nguyễn Thị Sợi (vợ ông Hải) nói mà như không muốn mở lời, lúc 4h30 cùng ngày, Hồng lẳng lặng dắt xe máy ra đường để đi “xáo rau”. Ai ngờ trên đường chở rau ra chợ bán thì va chạm với ô tô. Lúc Hồng nằm bất động ở hiện trường, người đi đường còn nhìn thấy trên áo cô vẫn đang đeo một chiếc băng tang đen bằng 2 ngón tay trước ngực. Bởi trước đó, cách ngày cô bị nạn hơn 4 tháng, anh Nguyễn Trường Ca (chồng Hồng) cũng đã thiệt mạng trên đường đi làm về. Sau những ngày tháng “chết đi sống lại” vì nỗi đau mất chồng, Hồng dần lấy lại được thăng bằng và gắng gượng nuôi bé Mai Trang (đứa con đầu lòng) mới 8 tháng tuổi. Bà Sợi bảo: “Hồng vốn chỉ quen với mấy sào ruộng, nhưng khi không còn chỗ dựa về kinh tế nữa, nó buộc phải tập tành chạy chợ kiếm miếng cơm cho cả gia đình”. Thế nhưng thêm một lần nữa bà Sợi cùng chồng lại phải “đầu bạc khóc đầu xanh”.
Nhấp một ngụm chè đặc chát, ông Hải tiếp lời vợ: “Vợ chồng chúng nó ra đi đột ngột, để lại cho hai thân già này đứa trẻ vẫn còn đang bú sữa mẹ. Ngày trước nuôi con đã khổ cực, giờ phải nuôi đứa cháu đỏ, thấy lòng chua chát quá”! “Cảm tạ trời đất, mấy đêm gần đây cháu cũng đỡ quấy khóc hơn” - ông Hải mừng thầm. Chuyện buồn của nhà ông Hải thì cả làng, cả xã ai cũng biết, ai cũng muốn sẻ chia. Vậy nhưng ngay cái mà bà con chòm xóm tưởng chừng dễ dàng thực hiện nhất là thăm hỏi, động viên đôi vợ chồng già ấy xem ra cũng rất khó. Vì bà con bảo rằng hỏi thăm mà không khéo dễ làm ông bà Hải thêm đau lòng. Chính vì thế những người họ hàng, làng xóm tốt bụng quay sang quan tâm đến bé Mai Trang. Thế nên hàng ngày, mấy chị đồng trang lứa với vợ chồng Hồng - Ca ở cùng xóm đang nuôi con nhỏ thường chạy qua nhà ông Hải cho bé Trang bú chực.
Nhớ lại mấy đêm đầu Hồng mới mất, ông Hải kể cứ bắt đầu sẩm tối là con bé lại khóc toáng đòi sữa mẹ. Đêm đến cả nhà cứ phải truyền tay nhau bế ẵm, dỗ dành. Có hôm nửa đêm thức giấc, Mai Trang nhất định không chịu bú bình, đưa thìa bột vào miệng cũng ngằn ngặt đẩy ra. Bí quá, bà Sợi buộc phải chạy qua “cầu cứu” chị hàng xóm sang nhà giúp đỡ. Chuyện trò với khách, cả ông Hải và bà Sợi đều tỏ ra vô cùng lo lắng. Vì như lời đôi vợ chồng già này thì khó khăn, cơ cực họ có thể chịu đựng được. Nhưng bé Mai Trang thiếu sữa mẹ sẽ rất hay đau ốm và chẳng biết ông Hải, bà Sợi có đủ sức, đủ thọ để nuôi dạy bé con nên người!?
(Còn nữa)