Hồi năm 2011, IBM tuyên bố ngừng cung cấp phần cứng cho siêu máy tính Blue Waters đặt tại Đại học Illinois sau bốn năm phát triển khiến dự án này bị trì hoãn. Khoảng một năm sau, công ty Cray nhảy vào và thay thế nền tảng của IBM bằng những CPU AMD và GPU NVIDIA nhằm giữ cho Blue Waters được tiếp tục "sống". Đến ngày hôm nay, Đại học Illinois cho biết Blue Waters đã chính thức đi vào hoạt động và nó sẽ chạy liên tục 24/7 để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Những người đứng đầu Blue Waters cho biết cỗ máy của họ là "một trong số những siêu máy tính mạnh nhất thế giới và là siêu mạnh tính mạnh nhất được đặt ở một trường đại học". Được biết khả năng tính toán ổn định của máy là 1 triệu tỉ phép tính mỗi giây (tức 1 petaflops) và có thể đạt mức cực đại lên đến 11,61 petaflops.
Nói thêm về mặt phần cứng, Blue Waters được xây dựng trên nền tảng Cray với 276 cabin chứa 22.649 nút máy tính. Mỗi nút hoạt động nhờ hai vi xử lí AMD 6276 “Interlagos” 2,3GHz (8 nhân mỗi chip) và RAM 64GB. Tổng cộng số nhân thực của Blue Waters là 362.240 nhân, tổng dung lượng RAM là 1.382 petabyte và băng thông dữ liệu 102.4GB/s. Đặc biệt có 32 cabin với 3.072 nút được trang bị thêm GPU NVIDIA Kepler để tăng hiệu năng tính toán, giống với siêu máy tính Titan mạnh nhất thế giới mà Cray cũng là bên cung cấp phần cứng. Ngoài ra Blue Waters còn có dung lượng lưu trữ tổng cộng là 26,4 petabyte, trong đó 1,2 petabyte dùng làm bộ nhớ đệm cho việc tính toán.
Những nhà khoa học ở Đại học Illinois cho biết thêm rằng với khả năng tính toán cực đại 11,6 petaflops, Blue Waters có thể nằm ở hạng thứ ba trong danh sách TOP500 các siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, Đại học Illinois bày tỏ quan ngại rằng công cụ Linpack dùng để chấm điểm TOP500 không thật sự phản ánh hiệu năng thực tế của siêu máy tính, do đó họ không nộp hồ sơ để đưa của Blue Waters vào TOP500.