|
Tên lửa Falcon 9 và tàu Dragon rời bệ phóng hôm 22/5. Ảnh: AP. |
Vụ phóng Dragon là một sự kiện lịch sử, bởi nó là phi thuyền đầu tiên thuộc sở hữu của tư nhân bay tới Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Từ trước tới nay các phi thuyền bay vào vũ trụ đều thuộc sở hữu của chính phủ.
"Hôm nay là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong thám hiểm vũ trụ. Dù chúng ta còn nhiều việc phải làm để chuyến bay kết thúc thành công, song chắc chắn chúng ta đã khởi đầu tốt đẹp. Đây là ngày tuyệt vời đối với nước Mỹ và thế giới", ông Charles Bolden, giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), phát biểu sau khi tên lửa Falcon 9 đẩy tàu Dragon tại trạm không quân Mũi Canaveral.
Chuyến bay của Dragon được coi là một thử nghiệm. Trên thực tế, phi thuyền mang theo những thứ không quan trọng nhằm đề phòng trường hợp sự cố xảy ra. Song nếu nó kết nối thành công với ISS trong vài ngày tới, các chuyến bay tới ISS do tư nhân đảm nhiệm sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 3 tới 5 năm tới.
Khói từ tên lửa tạo thành vòng cung trong không trung. Ảnh: AP. |
"Mọi chuyến bay vào vũ trụ đều là sự kiện thú vị, song sự kiện này khiến chúng ta cảm thấy phấn khích một cách đặc biệt. Nó mở rộng vai trò của tư nhân trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ và sẽ giúp NASA tập trung nguồn lực vào những việc mà NASA làm tốt nhất", ông John Holdren, trưởng nhóm cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ, phát biểu.
Sau quá trình thử nghiệm kéo dài nhiều năm, NASA hy vọng họ sẽ giao việc vận chuyển hàng hóa và con người cho tư nhân để họ tập trung tiền vào các chương trình thám hiểm không gian xa hơn quỹ đạo trái đất. Mục tiêu sắp tới của NASA là sao Hỏa và các thiên thạch. Nhiều công ty, bao gồm cả SpaceX, đang cố gắng giành cơ hội mà NASA tạo ra. Hiện tại Mỹ phải trả Nga 63 triệu USD mỗi khi đưa người lên ISS bằng tàu của Nga. Đây là khoản tiền đáng mơ ước đối với mọi doanh nhân.
NASA đã chi gần 400 triệu USD cho SpaceX - công ty có trụ sở tại bang California - với hy vọng một ngày nào đó SpaceX sẽ thực hiện các chuyến bay lên ISS. Tuy nhiên, một bộ phận dư luận - bao gồm nhiều cựu phi hành gia - phản đối chủ trương giao hoạt động vận tải lên ISS cho tư nhân. Họ lo ngại các công ty tư nhân không đủ trình độ công nghệ để thực hiện hoạt động vận chuyển trong không gian.
Minh Long