|
Điểm nóng phơi nhiễm chất độc dacam - dioxin tại sân bay Đà Nẵng gây chết cá khiến thành phố từ lâu ra khuyến cáo người dân không nuôi, trồng nông - thủy sản khu vực này. Ảnh: Trà Bang. |
Theo giới chức Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), công nghệ xử lý dioxin mà họ cho áp dụng tại sân bay Đà Nẵng đã được kiểm nghiệm trên toàn thế giới dựa trên tiêu chí về tác động môi trường và đảm bảo an toàn. Nó được chứng minh là an toàn và phát huy hiệu quả trong xử lý ô nhiễm đất.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng công nghệ được ứng dụng thành công và hiệu quả, làm sạch sân bay Đà Nẵng. Đồng thời chúng tôi cam kết hiệu quả, an toàn cho cả những người thực hiện tại hiện trường và khu vực xung quanh", ông Donald Steinberg, Phó giám đốc toàn cầu của USAID nói.
"Công nghệ khử hấp thu nhiệt đã được Mỹ cân nhắc và lựa chọn cẩn thận. Đây là công nghệ hiện đại, tiên tiến, đảm bảo tính hiệu quả cho các vùng đất bị nhiễm dioxin, đồng thời an toàn cao cho những người trực tiếp xử lý tại hiện trường cũng như khu vực xung quanh", ông Donald Steinberg khẳng định. Dự kiến, chi phí thực hiện dự án làm sạch dioxin tại sân bay Đà Nẵng là khoảng 43 triệu USD.
Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã thả hơn 70 triệu lít chất diệt lá, trong đó có loại chứa dioxin xuống miền trung và nam của Việt Nam. Dioxin được cho là có liên quan đến một loạt bệnh tật và dị tật ở người. Việt Nam ước tính có 3 triệu người bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm chất dioxin.
Sân bay Đà Nẵng là một trong ba điểm nóng về dioxin tại Việt Nam. Theo nghiên cứu của một công ty Canada, mức ô nhiễm dioxin tại một số điểm ở khu vực này cao gấp hàng trăm lần mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Hai điểm nóng còn lại về dioxin ở Việt Nam là sân bay Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai và Phù Cát ở tỉnh Bình Định, nơi trước đây không quân Mỹ từng cất trữ chất diệt lá.
Quốc hội Mỹ đã phân bổ tổng cộng 9 triệu USD dành cho các dự án tẩy độc chất dioxin còn sót lại ở những điểm nóng tại Việt Nam. Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu hỗn hợp Việt - Mỹ đã công bố một báo cáo cho rằng cần có 300 triệu USD để tẩy độc và hỗ trợ các nạn nhân chất da cam/dioxin ở Việt Nam. Theo đó, số tiền này sẽ được sử dụng cho một chương trình kéo dài 10 năm.
Hương Thu