Rào cản lớn nhất cho những ai muốn ăn kiêng để giảm cân chính là cơn đói. Khi cảm giác thèm ăn xuất hiện và người ăn kiên buộc phải tìm đủ mọi cách để phớt lờ “lời than thở” của chiếc dạ dày - một điều vốn dĩ không dễ dàng để thực hiện. Vì vậy, các nhà công nghệ sinh học tại viện công nghệ liên bang Thuỵ Sĩ ETH Zurich đã phát triển một liệu pháp gene mà trong tương lai không xa có thể chấm dứt nổi khổ thèm ăn của những người ăn kiên.
Không giống như các liệu pháp xâm lấn như phẫu thuật nội soi thắt băng điều chỉnh tại dạ dày (LAGB), liệu pháp gene mới được phát triển bởi ETH Zurich có thể được cấy ghép trong một bao nang. Bao nang chứa các tế bào được cấy ghép với một mạch điều tiết phức tạp. Mạch này được tạo ra bằng việc kết hợp các gene sản xuất protein và phản ứng của người.
Khi được giải phóng, mạch điều tiết liên tục giám sát nồng độ mỡ trong máu và khi phát hiện nồng độ vượt quá cao, nó sẽ tiết ra một hormone khiến cơ thể cảm thấy no, qua đó kiềm hãm cơn thèm ăn. Các nhà nghiên cứu cho biết mạch gene có thể đo nhiều loại chất béo, bao gồm nhiều loại chất béo bão hoà/không bão hoà từ động vật hoặc thực vật được cơ thể hấp thụ.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Martin Fussenegger đã thử nghiệm mạch điều tiết gene trên một con chuột bị béo phì và nó đang được cho kiên thức ăn béo. Các bao nang chứa mạch điều tiết được cấy ghép vào chuột và con chuột béo phì đã ngừng ăn nhiều, bắt đầu giảm cân. Sau khi nồng độ chất béo trong máu trở về bình thường, mạch điều tiết ngưng tiết ra các chất gây no.
Fussenegger cho biết: “Con chuột đã giảm cân mặc dù chúng tôi đã liên tục cho nó ăn những thực phẩm nhiều calorie.” Mặc dù nghiên cứu trên sẽ phải mất nhiều năm nữa để có thể áp dụng cho con người nhưng Fussenegger cho rằng việc cấy ghép mạng lưới gene có thể một ngày nào đó mang lại một giải pháp thay thế cho các kỹ thuật phẫu thuật như hút mỡ hay thắt băng điều chỉnh dạ dày cho những người béo phì.
Theo ETH Zurich