Họ là những người thợ xây, thợ hồ, làm chung với nhau. Có người thuê, họ lại dắt díu nhau đi theo những công trình. Họ gọi nơi ở tạm của họ là xóm. Nhiều người trong số họ đã sống qua mấy chục cái “xóm” như vậy, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được cho mình một chỗ an cư.
Đằng sau lô cốt
Đối với người Sài Gòn, lô cốt luôn mang lại cảm giác ngột ngạt, bức bí, dù nó chình ình giữa đường hay nằm trên lề đường. Tiếng cần cẩu, đất đá, khoan hàn… tạo nên những tạp âm không dễ chịu chút nào.
Bởi vậy, hầu như không ai để tâm có cái gì đằng sau lô cốt, nhưng lại nóng nảy văng tục khi nó cứ nghênh ngang trên đường tháng này qua tháng khác.
Vào vai người đi bỏ mối cơm hộp, chúng tôi vào được nhiều công trình xây dựng, tận thấy cuộc sống bấp bênh của cánh thợ xây trong những túp lều tạm bợ đằng sau những tấm lô cốt kia.
Chị Nguyệt 40 năm lang thang cùng xóm thợ xây.
Xóm thợ nằm dọc theo sông Sài Gòn trên đường Kha Vạn Cân (Q. Thủ Đức). Gọi là xóm cho oai, thực ra chỉ có khoảng hơn chục người, sống dưới những mái tranh, những tấm tôn xiêu vẹo. Gia đình chị Huỳnh Thị Nguyệt, 60 tuổi, quê ở Ba Tri (Bến Tre) với 4 nhân khẩu, túp lều chưa đến 10m2.
Toàn bộ không gian dành trọn cho tấm phản, làm chỗ ăn, ngủ của cả gia đình. Tấm phản là 4 miếng gỗ thừa lượm lặt từ vài công trình, đóng lại. Bên trên đặt thêm mấy miếng ván, trải cái chiếu. Xong công trình, lại tháo ra mang đi.
“Người đi, đồ đạc chỉ có vài bộ áo quần với mấy miếng gỗ, tấm tôn là tài sản quý nhất. Đến đâu cũng không lo mưa gió”, chị Nguyệt nói.
Nhìn khắp túp lều chỉ thấy ít bộ áo quần bạc màu treo nhàu nhĩ. Nồi cơm điện và cái quạt có lẽ là thứ đồ dùng “hiện đại” nhất của cả nhà. Hơn 40 năm làm thợ hồ, chị Nguyệt sống qua không biết bao nhiêu “xóm thợ xây”, từ trung tâm Sài Gòn ra dần đến vùng ven, rồi theo xóm lên tận Chơn Thành (Bình Phước), Dầu Tiếng (Tây Ninh), xuống cả miền Cần Giuộc (Long An)... “Có nhiều nơi, đặt chân đến đã muốn rùng mình. Đồng không mông quạnh, toàn lau sậy, rừng dừa, rừng đước. Đi mấy chục cây số mới gặp mặt người. Có nơi thì ở trên núi cao, đêm nằm nghe tiếng chim chóc kêu thôi đã giật mình”, chị Nguyệt kể.
Đời du mục
Cháu Thương Tín theo cha mẹ đi công trình suốt mấy tháng hè, chỉ biết làm bạn với cún con*
Sau mấy chục năm lang thang, chị về Sài Gòn. Gia đình chị có thêm cậu em trai cùng vợ và đứa con, dắt díu nhau đi làm phụ hồ. Cháu Huỳnh Thương Tín từ lúc sinh ra đã cùng cha mẹ theo chân công trình.
Đến năm cháu đủ tuổi vào lớp 1, cả nhà bàn nhau hùn tiền đưa cháu về nhà ông bà ngoại để đi học. “Lang thang nhiều quá, định đặt tên nó là Thương Hồ, sau đổi là Thương Tín cho con có tương lai” - chị Nguyệt, dì của đứa bé tâm sự.
Huỳnh Thương Tín theo cha mẹ được vài năm rồi về quê đi học. Đến mùa hè, cha mẹ nhớ quá nên đón cháu lên, lại lang thang khắp các công trình. Cả xóm có một hai đứa bé trạc tuổi. Trò chơi ngày hè chỉ là đống cát sỏi, gỗ đá với mấy con cún làm bạn.
Thấy con tội quá, cha mẹ Thương Tín mua cho con bộ bài Tây và dạy nó đánh bài. Ông Chinh, thủ kho công trình kêu: “Có ai rảnh chơi với nó đâu. Nó toàn chia bài chơi một mình”.
Buổi chiều, cha mẹ cho Tín ra ngoài đường, nhìn xe cộ chạy ngang dọc cho đỡ buồn. Hầu hết con cái của xóm thợ đều để ở quê cho ông bà chăm. Nhiều nhà khó quá, con phải đi bán vé số, lượm ve chai trang trải cuộc sống.
Không có tiền dựng một chỗ ngủ đàng hoàng, chị Sen phải lót tấm bạt để ngả lưng
Túp lều bên cạnh là của chị Hồ Thị Sen (40 tuổi), làm phụ hồ. Chồng bị bệnh nặng nằm một chỗ, con cái ở quê gửi nhờ ông bà ngoại, chị một mình lên thành phố tìm việc làm. Qua đủ thứ nghề, chị gắn đời mình với xóm thợ xây.
“Ở một mình nên chỉ trải tấm bạt nằm ngủ thôi, đi làm cả ngày mà. Cũng muốn có miếng ván nằm ngủ cho thoải mái nhưng đến khi chuyển đi nơi khác sức đâu mà mang”, chị Sen thở dài.
Mấy ngày trước, gia đình bên cạnh kêu chị Sen hùn ít tiền đổ xi măng lát cái nền đất cho bằng phẳng, đặng nằm ngủ đỡ đau lưng.
“Dư được bao nhiêu tui gửi về cho mấy đứa con, mua thuốc chữa bệnh cho chồng. Đau lưng tui chịu được”. Chị Sen kể, trời nắng thì nằm đất, trời mưa nước ngập thì mắc võng, qua được ngày nào hay ngày đó.
Vách ngăn là vài tấm tôn ghép lại, trống hoác một khoảng trên đầu. Sột soạt một tiếng, cả xóm cùng nghe.
Bỏ xóm
Cánh thợ gỡ bỏ nơi ở trước nay của mình để chuyển đi công trình mới*
Đối với xóm thợ xây, nỗi ám ảnh lớn nhất là các chủ thầu vô trách nhiệm, coi thợ như cỏ rác.
“Sướng, khổ cũng từ cai thầu. Mà chủ yếu là khổ”, ông Chinh thủ kho than vãn. Đã hơn 60 tuổi, ông Chinh không ít lần bị tụi “cò” bên ngoài vào tận công trình gạ “đẩy” vật liệu xây dựng với giá rẻ. “Thủ kho nào cũng nhờ đó mà sống thôi. Rút ruột công trình mà kiếm miếng ăn chứ. Nhưng vật tư thất thoát thì chính cánh thợ chịu thiệt. Tui không nỡ”, ông Chinh nói.
Xây nhà cho thợ là trách nhiệm của cai thầu, nhưng hầu như chẳng có công trình nào mà xóm được ăn ở đàng hoàng. “Tránh được mưa gió, đêm nằm không ướt lưng là mừng lắm rồi”, dân trong xóm nói.
Công trình chậm tiến độ, chưa có giấy phép hoặc hết vốn bị treo thì khổ đủ đường. “Cả xóm cứ ăn rồi chầu chực, không việc, không lương. Bỏ đi thì mất công trình, ở lại thì không có gì mà sống”, chị Nguyệt than.
Ban ngày, cánh đàn ông rủ nhau ra đường làm xe ôm, hoặc đi làm thợ hồ thuê cho những công trình khác với mức lương rẻ mạt. Phụ nữ đi bán vé số.
Lại một công trình hoàn thiện, cánh thợ dưới chân cầu Bình Triệu (Q. Bình Thạnh) từ sáng sớm đã vội vác dao, rựa gỡ bỏ những túp lều tranh để chuẩn bị chuyển đi công trình mới. Bỏ xóm.
Những mái tranh, tấm ván được gỡ ra. Cánh phụ nữ tất tả lượm lặt những gì có thể sử dụng được. Người chưa kịp đi, lô cốt vẫn che chắn kín mít. “Đời mình đi xây nhà cho người ta, cả đời tích cóp mơ một chỗ yên ổn để ngả lưng sau giờ làm nhưng biết đến bao giờ”, ông Chinh thở dài.
Mấy ngày trước, gia đình bên cạnh kêu chị Sen hùn ít tiền đổ xi măng lát cái nền đất cho bằng phẳng, đặng nằm ngủ đỡ đau lưng. “Dư được bao nhiêu tui gửi về cho mấy đứa con, mua thuốc chữa bệnh cho chồng. Đau lưng tui chịu được”. Chị Sen kể, trời nắng thì nằm đất, trời mưa nước ngập thì mắc võng, qua được ngày nào hay ngày đó.
Đằng sau lô cốt
Đối với người Sài Gòn, lô cốt luôn mang lại cảm giác ngột ngạt, bức bí, dù nó chình ình giữa đường hay nằm trên lề đường. Tiếng cần cẩu, đất đá, khoan hàn… tạo nên những tạp âm không dễ chịu chút nào.
Bởi vậy, hầu như không ai để tâm có cái gì đằng sau lô cốt, nhưng lại nóng nảy văng tục khi nó cứ nghênh ngang trên đường tháng này qua tháng khác.
Vào vai người đi bỏ mối cơm hộp, chúng tôi vào được nhiều công trình xây dựng, tận thấy cuộc sống bấp bênh của cánh thợ xây trong những túp lều tạm bợ đằng sau những tấm lô cốt kia.
Chị Nguyệt 40 năm lang thang cùng xóm thợ xây.
Xóm thợ nằm dọc theo sông Sài Gòn trên đường Kha Vạn Cân (Q. Thủ Đức). Gọi là xóm cho oai, thực ra chỉ có khoảng hơn chục người, sống dưới những mái tranh, những tấm tôn xiêu vẹo. Gia đình chị Huỳnh Thị Nguyệt, 60 tuổi, quê ở Ba Tri (Bến Tre) với 4 nhân khẩu, túp lều chưa đến 10m2.
Toàn bộ không gian dành trọn cho tấm phản, làm chỗ ăn, ngủ của cả gia đình. Tấm phản là 4 miếng gỗ thừa lượm lặt từ vài công trình, đóng lại. Bên trên đặt thêm mấy miếng ván, trải cái chiếu. Xong công trình, lại tháo ra mang đi.
“Người đi, đồ đạc chỉ có vài bộ áo quần với mấy miếng gỗ, tấm tôn là tài sản quý nhất. Đến đâu cũng không lo mưa gió”, chị Nguyệt nói.
Nhìn khắp túp lều chỉ thấy ít bộ áo quần bạc màu treo nhàu nhĩ. Nồi cơm điện và cái quạt có lẽ là thứ đồ dùng “hiện đại” nhất của cả nhà. Hơn 40 năm làm thợ hồ, chị Nguyệt sống qua không biết bao nhiêu “xóm thợ xây”, từ trung tâm Sài Gòn ra dần đến vùng ven, rồi theo xóm lên tận Chơn Thành (Bình Phước), Dầu Tiếng (Tây Ninh), xuống cả miền Cần Giuộc (Long An)... “Có nhiều nơi, đặt chân đến đã muốn rùng mình. Đồng không mông quạnh, toàn lau sậy, rừng dừa, rừng đước. Đi mấy chục cây số mới gặp mặt người. Có nơi thì ở trên núi cao, đêm nằm nghe tiếng chim chóc kêu thôi đã giật mình”, chị Nguyệt kể.
Đời du mục
Cháu Thương Tín theo cha mẹ đi công trình suốt mấy tháng hè, chỉ biết làm bạn với cún con*
Sau mấy chục năm lang thang, chị về Sài Gòn. Gia đình chị có thêm cậu em trai cùng vợ và đứa con, dắt díu nhau đi làm phụ hồ. Cháu Huỳnh Thương Tín từ lúc sinh ra đã cùng cha mẹ theo chân công trình.
Đến năm cháu đủ tuổi vào lớp 1, cả nhà bàn nhau hùn tiền đưa cháu về nhà ông bà ngoại để đi học. “Lang thang nhiều quá, định đặt tên nó là Thương Hồ, sau đổi là Thương Tín cho con có tương lai” - chị Nguyệt, dì của đứa bé tâm sự.
Huỳnh Thương Tín theo cha mẹ được vài năm rồi về quê đi học. Đến mùa hè, cha mẹ nhớ quá nên đón cháu lên, lại lang thang khắp các công trình. Cả xóm có một hai đứa bé trạc tuổi. Trò chơi ngày hè chỉ là đống cát sỏi, gỗ đá với mấy con cún làm bạn.
Thấy con tội quá, cha mẹ Thương Tín mua cho con bộ bài Tây và dạy nó đánh bài. Ông Chinh, thủ kho công trình kêu: “Có ai rảnh chơi với nó đâu. Nó toàn chia bài chơi một mình”.
Buổi chiều, cha mẹ cho Tín ra ngoài đường, nhìn xe cộ chạy ngang dọc cho đỡ buồn. Hầu hết con cái của xóm thợ đều để ở quê cho ông bà chăm. Nhiều nhà khó quá, con phải đi bán vé số, lượm ve chai trang trải cuộc sống.
Không có tiền dựng một chỗ ngủ đàng hoàng, chị Sen phải lót tấm bạt để ngả lưng
Túp lều bên cạnh là của chị Hồ Thị Sen (40 tuổi), làm phụ hồ. Chồng bị bệnh nặng nằm một chỗ, con cái ở quê gửi nhờ ông bà ngoại, chị một mình lên thành phố tìm việc làm. Qua đủ thứ nghề, chị gắn đời mình với xóm thợ xây.
“Ở một mình nên chỉ trải tấm bạt nằm ngủ thôi, đi làm cả ngày mà. Cũng muốn có miếng ván nằm ngủ cho thoải mái nhưng đến khi chuyển đi nơi khác sức đâu mà mang”, chị Sen thở dài.
Mấy ngày trước, gia đình bên cạnh kêu chị Sen hùn ít tiền đổ xi măng lát cái nền đất cho bằng phẳng, đặng nằm ngủ đỡ đau lưng.
“Dư được bao nhiêu tui gửi về cho mấy đứa con, mua thuốc chữa bệnh cho chồng. Đau lưng tui chịu được”. Chị Sen kể, trời nắng thì nằm đất, trời mưa nước ngập thì mắc võng, qua được ngày nào hay ngày đó.
Vách ngăn là vài tấm tôn ghép lại, trống hoác một khoảng trên đầu. Sột soạt một tiếng, cả xóm cùng nghe.
Bỏ xóm
Cánh thợ gỡ bỏ nơi ở trước nay của mình để chuyển đi công trình mới*
Đối với xóm thợ xây, nỗi ám ảnh lớn nhất là các chủ thầu vô trách nhiệm, coi thợ như cỏ rác.
“Sướng, khổ cũng từ cai thầu. Mà chủ yếu là khổ”, ông Chinh thủ kho than vãn. Đã hơn 60 tuổi, ông Chinh không ít lần bị tụi “cò” bên ngoài vào tận công trình gạ “đẩy” vật liệu xây dựng với giá rẻ. “Thủ kho nào cũng nhờ đó mà sống thôi. Rút ruột công trình mà kiếm miếng ăn chứ. Nhưng vật tư thất thoát thì chính cánh thợ chịu thiệt. Tui không nỡ”, ông Chinh nói.
Xây nhà cho thợ là trách nhiệm của cai thầu, nhưng hầu như chẳng có công trình nào mà xóm được ăn ở đàng hoàng. “Tránh được mưa gió, đêm nằm không ướt lưng là mừng lắm rồi”, dân trong xóm nói.
Công trình chậm tiến độ, chưa có giấy phép hoặc hết vốn bị treo thì khổ đủ đường. “Cả xóm cứ ăn rồi chầu chực, không việc, không lương. Bỏ đi thì mất công trình, ở lại thì không có gì mà sống”, chị Nguyệt than.
Ban ngày, cánh đàn ông rủ nhau ra đường làm xe ôm, hoặc đi làm thợ hồ thuê cho những công trình khác với mức lương rẻ mạt. Phụ nữ đi bán vé số.
Lại một công trình hoàn thiện, cánh thợ dưới chân cầu Bình Triệu (Q. Bình Thạnh) từ sáng sớm đã vội vác dao, rựa gỡ bỏ những túp lều tranh để chuẩn bị chuyển đi công trình mới. Bỏ xóm.
Những mái tranh, tấm ván được gỡ ra. Cánh phụ nữ tất tả lượm lặt những gì có thể sử dụng được. Người chưa kịp đi, lô cốt vẫn che chắn kín mít. “Đời mình đi xây nhà cho người ta, cả đời tích cóp mơ một chỗ yên ổn để ngả lưng sau giờ làm nhưng biết đến bao giờ”, ông Chinh thở dài.
Mấy ngày trước, gia đình bên cạnh kêu chị Sen hùn ít tiền đổ xi măng lát cái nền đất cho bằng phẳng, đặng nằm ngủ đỡ đau lưng. “Dư được bao nhiêu tui gửi về cho mấy đứa con, mua thuốc chữa bệnh cho chồng. Đau lưng tui chịu được”. Chị Sen kể, trời nắng thì nằm đất, trời mưa nước ngập thì mắc võng, qua được ngày nào hay ngày đó.