|
Hình minh họa một phi thuyền tới gần một thiên thạch để khai thác tài nguyên. Ảnh: Space. |
“Nếu nhìn vào tài nguyên vũ trụ, chúng ta thấy khai thác các thiên thạch gần trái đất là bước tiến hợp lý”, Eric Anderson, đồng chủ tịch hội đồng quản trị công ty Planetery Resources, phát biểu trong buổi họp báo tại Bảo tàng Hàng không ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ hôm qua.
Anderson cho biết, ban đầu công ty sẽ khai thác là nước và các kim loại thuộc nhóm bạch kim – bao gồm ruthenium, bạch kim, rhodium, palladium, osmium, iridium.
Kim loại thuộc nhóm bạch kim tồn tại với hàm lượng thấp trên trái đất và khai thác chúng là việc khó. Đó là lý do khiến chúng được bán với giá rất cao. Theo Anderson, kim loại thuộc nhóm bạch kim không tồn tại tự nhiên trong vỏ trái đất. Chúng là thành phần của những thiên thạch từng lao xuống địa cầu trong hàng trăm triệu năm qua.
“Chúng tôi sẽ bay tới các thiên thạch. Trên các thiên thạch có hàm lượng bạch kim lớn, trữ lượng của nhóm kim loại bạch kim cao hơn rất nhiều so với trái đất”, Anderson nói.
Bên cạnh nhóm bạch kim, con người còn có thể khai thác vô số kim loại quý khác trên thiên thạch. Ban lãnh đạo Planetary Resources khẳng định rằng một thiên thạch giàu các kim loại bạch kim và có chiều rộng 500 m chứa trữ lượng kim loại tương đương với trữ lượng mà con người khai thác trong suốt lịch sử nhân loại.
Nhiều thiên thạch cũng chứa lượng nước lớn. Đây là một nguồn tài nguyên mà Planetary Resources cũng muốn khai thác. Sau khi lấy nước từ các thiên thạch, công ty sẽ bán chúng ngay trong vũ trụ nên các phi thuyền sẽ không phải mang theo nước từ mặt đất. Các phi hành gia có thể dùng nước để uống, trồng cây lương thực. Ngoài ra các thiết bị tối tân có thể biến nước thành khí hydro và oxy – hai thành phần chính của nhiên liệu tên lửa. Sản xuất nhiên liệu dành cho tên lửa đẩy ngay trong vũ trụ là giải pháp cần thiết trong những chuyến bay xa - chẳng hạn như thám hiểm sao Hỏa - của phi thuyền.
Planetary Resources hy vọng nỗ lực khai thác thiên thạch của họ sẽ dẫn tới sự ra đời của các trạm tiếp liệu trong không gian để phục vụ các phi thuyền và vệ tinh nhân tạo.
Minh Long