Bạc tỷ trôi sông
Mấy ngày nay, hàng chục hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ở xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa thẫn thờ trước việc hàng trăm tấn cá trôi ra sông khi ao nuôi cá bị nước lũ tràn bờ.
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản Vĩnh Hưng cho biết: “Chúng tôi nuôi cá ở đây đã hơn chục năm nay, chưa bao giờ xảy ra tình trạng như vậy. Không ai biết thủy điện xả lũ, khi nhận thông báo thì lũ đã tràn đồng”.
Lũ về trong đêm nên khi phát hiện, người dân không kịp trở tay. Giữa mênh mông nước, người nuôi cá chỉ còn cách đổ từng bao đất ngăn nước và chắn lưới nhằm vớt vát lượng cá còn lại.
Dân phải kéo cá bán chạy lũ
Ông Vĩnh thống kê thiệt hại ban đầu của các xã viên khoảng 300 tấn cá lóc, 40 tấn cá sặt rằn và khoảng 100 tấn cá các loại khác. Nước vơi đi phần nào, người dân tập trung ra kéo cá bán tháo, bán đổ.
Ông Nguyễn Văn Khen, một xã viên trong HTX ngậm ngùi: “Tôi nuôi cá sặt rằn trên diện tích 2 ha, mới thả được 3 tháng hết 300 bao cám, giờ ngập như vậy không biết còn được bao nhiêu”.
Theo ông Vĩnh, thì người dân nuôi cá đa số đều phải vay ngân hàng, hoặc mua chịu thức ăn cho cá, nếu mất trắng bà con sẽ nợ nần.
Trong thành phố, công văn hỏa tốc đi 6 ngày mới tới
Ông Tăng Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hạnh cho biết, khoảng 40 ha ao nuôi cá của người dân bị ngập, thiệt hại lượng cá thịt, cá giống rất lớn.
Theo ông Lâm, từ ngày 13/9, thủy điện Trị An đã bắt đầu xả lũ, đến ngày 26/9, nhà máy xả tràn đến 6 cửa với tổng lưu lượng lên đến 1.810m3/s. Thế nhưng, đến ngày 27/9, khi nước lũ đã tràn đồng, UBND xã mới nhận được công văn từ Ban Phòng chống lụt bão TP Biên Hòa chuyển đến.
“Nhận công văn chúng tôi triển khai bằng loa truyền thanh, trực tiếp xuống thông báo với người dân, nhưng lúc đó nước đã ngập, quá muộn”, ông Lâm nói.
Ông Mai Trung Ý, Trưởng Phòng Thủy lợi, Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hằng ngày, nhà máy thủy điện Trị An đều có thông báo xả lũ và chúng tôi đều có thông báo cho Ban Phòng chống lụt bão TP Biên Hòa biết để có biện pháp ứng phó”.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 21/9, UBND TP Biên Hòa đã có văn bản chỉ đạo Ban Phòng chống lụt bão TP Biên Hòa ứng phó với lũ nhưng không hiểu sao tận đến ngày 27/9, công văn mới đến cơ sở.
Ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng phòng Kinh tế TP Biên Hòa, Phó Ban Phòng chống lụt bão TP Biên Hòa giãi bày: “Do công văn chuyển vào ngày cuối tuần (21/9) nên qua ngày thứ 7, chủ nhật, đến thứ 2 (24/9) chúng tôi mới nhận được và đã triển khai ngay”. Dẫu thế, đến tận ngày 27/9, khi lũ đã trắng đồng, xã Tân Hạnh mới nhận được công văn.
Trong phạm vi TP Biên Hòa, nhưng công văn hỏa tốc về phòng chống lụt bão lại phải mất 6 ngày mới đến được cơ sở. Thiệt hại của người dân, ai chịu trách nhiệm?
Mấy ngày nay, hàng chục hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ở xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa thẫn thờ trước việc hàng trăm tấn cá trôi ra sông khi ao nuôi cá bị nước lũ tràn bờ.
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản Vĩnh Hưng cho biết: “Chúng tôi nuôi cá ở đây đã hơn chục năm nay, chưa bao giờ xảy ra tình trạng như vậy. Không ai biết thủy điện xả lũ, khi nhận thông báo thì lũ đã tràn đồng”.
Lũ về trong đêm nên khi phát hiện, người dân không kịp trở tay. Giữa mênh mông nước, người nuôi cá chỉ còn cách đổ từng bao đất ngăn nước và chắn lưới nhằm vớt vát lượng cá còn lại.
Dân phải kéo cá bán chạy lũ
Ông Vĩnh thống kê thiệt hại ban đầu của các xã viên khoảng 300 tấn cá lóc, 40 tấn cá sặt rằn và khoảng 100 tấn cá các loại khác. Nước vơi đi phần nào, người dân tập trung ra kéo cá bán tháo, bán đổ.
Ông Nguyễn Văn Khen, một xã viên trong HTX ngậm ngùi: “Tôi nuôi cá sặt rằn trên diện tích 2 ha, mới thả được 3 tháng hết 300 bao cám, giờ ngập như vậy không biết còn được bao nhiêu”.
Theo ông Vĩnh, thì người dân nuôi cá đa số đều phải vay ngân hàng, hoặc mua chịu thức ăn cho cá, nếu mất trắng bà con sẽ nợ nần.
Trong thành phố, công văn hỏa tốc đi 6 ngày mới tới
Ông Tăng Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hạnh cho biết, khoảng 40 ha ao nuôi cá của người dân bị ngập, thiệt hại lượng cá thịt, cá giống rất lớn.
Theo ông Lâm, từ ngày 13/9, thủy điện Trị An đã bắt đầu xả lũ, đến ngày 26/9, nhà máy xả tràn đến 6 cửa với tổng lưu lượng lên đến 1.810m3/s. Thế nhưng, đến ngày 27/9, khi nước lũ đã tràn đồng, UBND xã mới nhận được công văn từ Ban Phòng chống lụt bão TP Biên Hòa chuyển đến.
“Nhận công văn chúng tôi triển khai bằng loa truyền thanh, trực tiếp xuống thông báo với người dân, nhưng lúc đó nước đã ngập, quá muộn”, ông Lâm nói.
Ông Mai Trung Ý, Trưởng Phòng Thủy lợi, Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hằng ngày, nhà máy thủy điện Trị An đều có thông báo xả lũ và chúng tôi đều có thông báo cho Ban Phòng chống lụt bão TP Biên Hòa biết để có biện pháp ứng phó”.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 21/9, UBND TP Biên Hòa đã có văn bản chỉ đạo Ban Phòng chống lụt bão TP Biên Hòa ứng phó với lũ nhưng không hiểu sao tận đến ngày 27/9, công văn mới đến cơ sở.
Ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng phòng Kinh tế TP Biên Hòa, Phó Ban Phòng chống lụt bão TP Biên Hòa giãi bày: “Do công văn chuyển vào ngày cuối tuần (21/9) nên qua ngày thứ 7, chủ nhật, đến thứ 2 (24/9) chúng tôi mới nhận được và đã triển khai ngay”. Dẫu thế, đến tận ngày 27/9, khi lũ đã trắng đồng, xã Tân Hạnh mới nhận được công văn.
Trong phạm vi TP Biên Hòa, nhưng công văn hỏa tốc về phòng chống lụt bão lại phải mất 6 ngày mới đến được cơ sở. Thiệt hại của người dân, ai chịu trách nhiệm?