Chiều quê vọng nỗi đau thương
Trời sâm sẩm tối, nhưng ngôi nhà 2 tầng của gia đình bà Nguyễn Thị Lầm ở thôn Vụ Bản, nằm cuối xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vẫn không có bóng dáng một ai. Vẻ bề ngoài của ngôi nhà cho chúng tôi biết rằng nó vừa được gia chủ xây cất, tường còn để mộc và mùi vữa vẫn phảng phất. Không có người ở nhà, song cánh cổng của gia đình bà Lầm lại mở thõng, cửa chính căn nhà cấp 4 phía đầu hồi ngôi nhà mới xây cũng không khóa.
Chừng 15 phút sau, ông Đào Văn Năm (chồng bà Lầm) từ ngoài đồng về. Gặp chúng tôi, ông khẽ bảo: “Bà nhà tôi sang nhà con gái ở xã bên, mấy đứa đi làm, đi học cả. Tôi tranh thủ thả con trâu ra đồng”. “Ban nãy có người gọi, bảo nhà có khách, tôi đoán mãi mà chẳng ra ai” - ông Năm nói, rồi dẫn chúng tôi vào nhà. Mới ngoài tuổi 60, vậy mà ông Năm đã rất lụ khụ. Khuôn mặt nhăn nheo, hốc hác và đôi chân không còn thật vững.
Ngôi nhà của vợ chồng Cường - Thơm*giờ không có người ở
Nhắc lại chuyện buồn của gia đình, ông Năm thở dài: “Đau lòng lắm chú ạ! Cả bốn mạng người cùng chết một lúc, còn gì nghiệt ngã hơn. Ở mấy cái xã bán sơn địa này làm gì có vụ tai nạn nào thảm khốc đến thế”! Qua những lời đứt quãng của người đàn ông tuổi lục tuần, chúng tôi mường tượng chị Đào Thị Thơm là con gái thứ 3 trong 7 người con của vợ chồng ông Năm. Vào dịp này hồi 2004, khi những vạt lúa mùa sớm ngoài đồng đang độ chín rộ, chị Thơm bẽn lẽn xin phép bố mẹ được kết hôn với anh Hà Văn Cường ở xã Minh Phú kế bên.
Ngày ấy, gia đình ông Năm và bên đàng nhà trai đều nghèo cả nên đám cưới của Thơm - Cường diễn ra đơn giản, song tràn ngập niềm vui. Họ hàng, làng xóm đều có mặt đông đủ. Gần 1 năm sau, đôi vợ chồng trẻ ấy sinh đứa con trai đầu lòng đặt tên là Hà Mạnh Quyết. “Thằng bé thật khôi ngô. Bố mẹ luôn phải giật gấu vá vai, nhưng nó rất phàm ăn và mau lớn. Loáng cái đã đi học lớp 1 rồi” - ông Năm hồi tưởng. Rồi ông nói tiếp: “Vợ chồng con Thơm chăm chỉ và rất biết bảo ban nhau làm ăn. Chúng nó nói khi nào kinh tế vững mới đẻ đứa thứ hai. Vậy mà… cái công nông quái ác kia đã hại chết cả nhà con bé” - ông Năm nghẹn ngào.
Người đàn bà bất hạnh
Rời nhà ông Năm, chúng tôi tiếp tục lần đường sang nhà thông gia của ông lão này. Minh Trí và Minh Phú là hai xã khác nhau, nhưng chẳng hề có mốc giới rõ ràng. Đường làng nối tiếp đường làng, quanh co và cứ xẻ ngang, xẻ dọc như những bờ ruộng sau vụ gặt. Chốc chốc lại có ba, bốn thanh niên “cưỡi” trên những chiếc xe máy rồ ga phóng bạt mạng. Để đến được nhà người đàn bà cùng mang cái tên như ông Năm ở thôn Gốc Thông, chúng tôi phải hỏi thăm. Đáp lời hỏi người lạ, chị bán giò chả ở đầu xã Minh Phú nhanh nhảu: “Nhà bà Năm mà có vợ chồng đứa con trai bị công nông cán chết chứ gì”? “Chú cứ đi hết cái đường bê tông này, qua ủy ban xã, rồi đi lên bờ kênh là tới thôi” - chị bán hàng chỉ dẫn. Chỉ đường cho chúng tôi, nhưng chị này còn “chua” thêm một câu: “Bà ấy là người khổ nhất trên đời này đấy”!
Bà Năm khó quên được ngày định mệnh xảy đến với gia đình
Quả đúng như lời chị bán giò chả nhận xét, bà Nguyễn Thị Năm, mẹ chồng Thơm chắc chắn được liệt vào hàng những người đàn bà đau khổ nhất, chí ít cũng là ở khu vực đồi núi Sóc Sơn này. Bà Năm ở nhà, nhưng lại “nhường quyền” tiếp khách cho con rể. “Dù rất muốn, nhưng chắc tôi sẽ phải từ bỏ hoàn toàn ý định đưa vợ con về quê nội ở Phú Xuyên sinh sống” - anh Nguyễn Hồng Quân (con rể bà Năm) mở lòng.
Theo lời Quân, bố mẹ vợ anh vốn sinh tới 5 người con, vợ anh là con út và là đứa con gái duy nhất trong nhà. Năm 1998, bố vợ anh bạo bệnh, rồi qua đời. Một thời gian sau, người anh cả trong gia đình phải thi hành án tử hình vì “lỡ tay” giết vợ. Hơn 4 năm trước, người anh trai thứ 3 mất vì TNGT. Còn anh trai thứ 2 của vợ thì mất từ hồi còn nhỏ vì chó dại cắn. Quân điểm lại các sự biến trong gia đình vợ bằng vài lời ngắn ngủi, vậy mà chúng tôi thấy “lạnh toát” cả người.
Đề cập đến cái ngày định mệnh của gia đình anh vợ, Quân kể đó là tối 29/10/2011. Lúc ấy là 20h30, vợ chồng Quân đang ngồi xem tivi, bà Năm lúi húi dọn dẹp ngoài sân thì bất ngờ nghe thấy tiếng gọi dồn dập ở cổng. Một người cùng làng báo tin, vợ chồng Cường bị tai nạn ở gần ủy ban. Quân chạy như bay ra hiện trường, vì nhà anh chỉ cách đó vài trăm mét. Đến nơi, Quân hoảng hồn thấy anh vợ và đứa cháu nằm bất động, còn chị Thơm thì ngất lịm dưới rãnh nước đường bê tông. Quân cuống cuồng bế đứa cháu vào trạm xá, rồi quay ra cõng vợ chồng anh vợ vào sơ cứu.
Thế nhưng các bác sĩ ở bệnh viện Phúc Yên thông báo vợ chồng Cường sẽ không thể sống lại. Hơn 1 giờ sau, niềm hy vọng duy nhất là cháu Hà Mạnh Quyết cũng tắt lịm. Quân nhớ lại: “Lúc phải nhận tin dữ từ phía bệnh viện, không chỉ mẹ và vợ tôi qụy xuống mà ngay cả tôi đứng cũng không vững”! “Về danh nghĩa thì vụ tai nạn cướp đi ba mạng người, nhưng thực tế là hơn thế vì chị Thơm đang mang thai tháng thứ 5” - con rể bà Năm bảo vậy.
Loáng thoáng nghe chuyện, bà Năm bỏ đứa cháu lũn cũn chơi ở sân, lặng lẽ đi vào nhà. Bà không thể kìm nén được cảm xúc, nhưng khốn nỗi nước mắt của bà Năm đã khô kiệt. Ngay cả chút ít sức lực ở cái tuổi 66 của bà cũng ngày một leo lét. Thành thử bà không thể khóc và cũng chẳng buồn nhắc nhiều về cái họa của gia đình con trai.
Chúng tôi khơi gợi, người đàn bà bất hạnh này gượng bảo: “Chiều hôm bị nạn, vợ chồng con cái chúng nó chở nhau xuống nhà ngoại ăn sinh nhật đứa cháu. Chỉ có một đoạn đường làng thôi, vậy mà bị xe công nông đâm vào”. “Cái ngữ ấy chỉ bỏ tù mấy năm thì đáng gì! Nhà nước đã cấm tiệt, xe pháo lại không có đèn thế mà nó cứ lao ầm ầm. Nếu không phải vợ chồng thằng Cường thì người khác cũng sẽ mất mạng với nó thôi” - bà Năm chua chát. Kế lời mẹ vợ, Quân giải thích thêm: “Cái xe công nông đó không có đèn, gã lái xe nhờ một tay đi xe máy dẫn đường. Anh tôi bị chói mắt nên mới xảy ra tai nạn”.
(Còn nữa)
Trời sâm sẩm tối, nhưng ngôi nhà 2 tầng của gia đình bà Nguyễn Thị Lầm ở thôn Vụ Bản, nằm cuối xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vẫn không có bóng dáng một ai. Vẻ bề ngoài của ngôi nhà cho chúng tôi biết rằng nó vừa được gia chủ xây cất, tường còn để mộc và mùi vữa vẫn phảng phất. Không có người ở nhà, song cánh cổng của gia đình bà Lầm lại mở thõng, cửa chính căn nhà cấp 4 phía đầu hồi ngôi nhà mới xây cũng không khóa.
Chừng 15 phút sau, ông Đào Văn Năm (chồng bà Lầm) từ ngoài đồng về. Gặp chúng tôi, ông khẽ bảo: “Bà nhà tôi sang nhà con gái ở xã bên, mấy đứa đi làm, đi học cả. Tôi tranh thủ thả con trâu ra đồng”. “Ban nãy có người gọi, bảo nhà có khách, tôi đoán mãi mà chẳng ra ai” - ông Năm nói, rồi dẫn chúng tôi vào nhà. Mới ngoài tuổi 60, vậy mà ông Năm đã rất lụ khụ. Khuôn mặt nhăn nheo, hốc hác và đôi chân không còn thật vững.
Ngôi nhà của vợ chồng Cường - Thơm*giờ không có người ở
Nhắc lại chuyện buồn của gia đình, ông Năm thở dài: “Đau lòng lắm chú ạ! Cả bốn mạng người cùng chết một lúc, còn gì nghiệt ngã hơn. Ở mấy cái xã bán sơn địa này làm gì có vụ tai nạn nào thảm khốc đến thế”! Qua những lời đứt quãng của người đàn ông tuổi lục tuần, chúng tôi mường tượng chị Đào Thị Thơm là con gái thứ 3 trong 7 người con của vợ chồng ông Năm. Vào dịp này hồi 2004, khi những vạt lúa mùa sớm ngoài đồng đang độ chín rộ, chị Thơm bẽn lẽn xin phép bố mẹ được kết hôn với anh Hà Văn Cường ở xã Minh Phú kế bên.
Ngày ấy, gia đình ông Năm và bên đàng nhà trai đều nghèo cả nên đám cưới của Thơm - Cường diễn ra đơn giản, song tràn ngập niềm vui. Họ hàng, làng xóm đều có mặt đông đủ. Gần 1 năm sau, đôi vợ chồng trẻ ấy sinh đứa con trai đầu lòng đặt tên là Hà Mạnh Quyết. “Thằng bé thật khôi ngô. Bố mẹ luôn phải giật gấu vá vai, nhưng nó rất phàm ăn và mau lớn. Loáng cái đã đi học lớp 1 rồi” - ông Năm hồi tưởng. Rồi ông nói tiếp: “Vợ chồng con Thơm chăm chỉ và rất biết bảo ban nhau làm ăn. Chúng nó nói khi nào kinh tế vững mới đẻ đứa thứ hai. Vậy mà… cái công nông quái ác kia đã hại chết cả nhà con bé” - ông Năm nghẹn ngào.
Người đàn bà bất hạnh
Rời nhà ông Năm, chúng tôi tiếp tục lần đường sang nhà thông gia của ông lão này. Minh Trí và Minh Phú là hai xã khác nhau, nhưng chẳng hề có mốc giới rõ ràng. Đường làng nối tiếp đường làng, quanh co và cứ xẻ ngang, xẻ dọc như những bờ ruộng sau vụ gặt. Chốc chốc lại có ba, bốn thanh niên “cưỡi” trên những chiếc xe máy rồ ga phóng bạt mạng. Để đến được nhà người đàn bà cùng mang cái tên như ông Năm ở thôn Gốc Thông, chúng tôi phải hỏi thăm. Đáp lời hỏi người lạ, chị bán giò chả ở đầu xã Minh Phú nhanh nhảu: “Nhà bà Năm mà có vợ chồng đứa con trai bị công nông cán chết chứ gì”? “Chú cứ đi hết cái đường bê tông này, qua ủy ban xã, rồi đi lên bờ kênh là tới thôi” - chị bán hàng chỉ dẫn. Chỉ đường cho chúng tôi, nhưng chị này còn “chua” thêm một câu: “Bà ấy là người khổ nhất trên đời này đấy”!
Bà Năm khó quên được ngày định mệnh xảy đến với gia đình
Quả đúng như lời chị bán giò chả nhận xét, bà Nguyễn Thị Năm, mẹ chồng Thơm chắc chắn được liệt vào hàng những người đàn bà đau khổ nhất, chí ít cũng là ở khu vực đồi núi Sóc Sơn này. Bà Năm ở nhà, nhưng lại “nhường quyền” tiếp khách cho con rể. “Dù rất muốn, nhưng chắc tôi sẽ phải từ bỏ hoàn toàn ý định đưa vợ con về quê nội ở Phú Xuyên sinh sống” - anh Nguyễn Hồng Quân (con rể bà Năm) mở lòng.
Theo lời Quân, bố mẹ vợ anh vốn sinh tới 5 người con, vợ anh là con út và là đứa con gái duy nhất trong nhà. Năm 1998, bố vợ anh bạo bệnh, rồi qua đời. Một thời gian sau, người anh cả trong gia đình phải thi hành án tử hình vì “lỡ tay” giết vợ. Hơn 4 năm trước, người anh trai thứ 3 mất vì TNGT. Còn anh trai thứ 2 của vợ thì mất từ hồi còn nhỏ vì chó dại cắn. Quân điểm lại các sự biến trong gia đình vợ bằng vài lời ngắn ngủi, vậy mà chúng tôi thấy “lạnh toát” cả người.
Đề cập đến cái ngày định mệnh của gia đình anh vợ, Quân kể đó là tối 29/10/2011. Lúc ấy là 20h30, vợ chồng Quân đang ngồi xem tivi, bà Năm lúi húi dọn dẹp ngoài sân thì bất ngờ nghe thấy tiếng gọi dồn dập ở cổng. Một người cùng làng báo tin, vợ chồng Cường bị tai nạn ở gần ủy ban. Quân chạy như bay ra hiện trường, vì nhà anh chỉ cách đó vài trăm mét. Đến nơi, Quân hoảng hồn thấy anh vợ và đứa cháu nằm bất động, còn chị Thơm thì ngất lịm dưới rãnh nước đường bê tông. Quân cuống cuồng bế đứa cháu vào trạm xá, rồi quay ra cõng vợ chồng anh vợ vào sơ cứu.
Thế nhưng các bác sĩ ở bệnh viện Phúc Yên thông báo vợ chồng Cường sẽ không thể sống lại. Hơn 1 giờ sau, niềm hy vọng duy nhất là cháu Hà Mạnh Quyết cũng tắt lịm. Quân nhớ lại: “Lúc phải nhận tin dữ từ phía bệnh viện, không chỉ mẹ và vợ tôi qụy xuống mà ngay cả tôi đứng cũng không vững”! “Về danh nghĩa thì vụ tai nạn cướp đi ba mạng người, nhưng thực tế là hơn thế vì chị Thơm đang mang thai tháng thứ 5” - con rể bà Năm bảo vậy.
Loáng thoáng nghe chuyện, bà Năm bỏ đứa cháu lũn cũn chơi ở sân, lặng lẽ đi vào nhà. Bà không thể kìm nén được cảm xúc, nhưng khốn nỗi nước mắt của bà Năm đã khô kiệt. Ngay cả chút ít sức lực ở cái tuổi 66 của bà cũng ngày một leo lét. Thành thử bà không thể khóc và cũng chẳng buồn nhắc nhiều về cái họa của gia đình con trai.
Chúng tôi khơi gợi, người đàn bà bất hạnh này gượng bảo: “Chiều hôm bị nạn, vợ chồng con cái chúng nó chở nhau xuống nhà ngoại ăn sinh nhật đứa cháu. Chỉ có một đoạn đường làng thôi, vậy mà bị xe công nông đâm vào”. “Cái ngữ ấy chỉ bỏ tù mấy năm thì đáng gì! Nhà nước đã cấm tiệt, xe pháo lại không có đèn thế mà nó cứ lao ầm ầm. Nếu không phải vợ chồng thằng Cường thì người khác cũng sẽ mất mạng với nó thôi” - bà Năm chua chát. Kế lời mẹ vợ, Quân giải thích thêm: “Cái xe công nông đó không có đèn, gã lái xe nhờ một tay đi xe máy dẫn đường. Anh tôi bị chói mắt nên mới xảy ra tai nạn”.
(Còn nữa)